TT - Có chút rụt rè trong việc thổ lộ khát vọng của mình trên Internet.
Không phải vì khát vọng đó chưa định hình, thiếu thực tế. Một khát khao
đẹp, có giá trị cộng đồng, nhưng ở thời điểm này chủ nhân chưa có thời
gian để bắt tay thực hiện...
"Đừng méo đi vì những va đập" 375154
Lê Thị Thanh Huyền (trái) ở một quán bioca café của mình - Ảnh: Đ.Thắng

Lê Thị Thanh Huyền chủ động gọi cho chúng tôi ngay sau diễn đàn “Sống
trung thực được gì?” Và trong những lần ít ỏi gặp gỡ, câu chuyện lúc
nào cũng xoay quanh cái trục sống chân thật thì có phải trả giá không...

Con nhà nghèo

Huyền quá tất bật. Cái tất bật hăm hở chứ không mệt mỏi. Chỉ tiêu tự đề
ra cho mình trong năm 2009 chưa hoàn thành, mà những tờ lịch cuối cùng
của năm đang vơi dần, phải tất bật thôi. Nói về gia cảnh, Huyền vắn
tắt: “Mình là con nhà nghèo, rất nghèo!”.

Học cùng lúc hai trường: ĐH Kinh tế quốc dân và Nhạc viện Hà Nội, Huyền
giải thích muốn vượt qua nghèo khó chỉ có cách kinh doanh. Còn học
thanh nhạc là tìm kiếm thêm cơ hội bổ trợ cho việc kinh doanh tương
lai. Mọi thứ lúc đó chỉ mơ hồ là tận dụng hết khả năng có thể để mai
này vào đời...

Năm 1995, 26 tuổi, một cơ duyên đưa Huyền đến với Sài Gòn và cô trực
nhận rằng mảnh đất cho mình lập thân là đây. Huyền nói: “Thành phố này
đầy thách thức và cũng đầy ắp cơ hội!”.

Không khó để Huyền bươn chải. Đi dạy thêm thanh nhạc, dạy đàn tại gia.
Có chút vốn nhỏ hùn hạp với bạn bè buôn bán. Bắt đầu bằng hai bàn tay
trắng và ít ỏi những mối quan hệ, như thế kể là đã ổn.

Từ cái ngọt hậu của bioca café...

Giờ tới cuối năm, Huyền phải cố chạy để bảo đảm hệ thống bioca café của
cô đủ năm cái ở Sài Gòn, sang năm sẽ là năm cái khác ở Hà Nội. Dù Cao
Nguyên Đỏ, công ty của cô, chỉ mới sở hữu ba cái quanh khu vực sân bay
Tân Sơn Nhất.

Khách đông. Tôi ngồi nhấm hương vị mộc tự nhiên của ly cà phê và nghe
Huyền nói: “Không có loại hương liệu hóa chất nào. Nó là cà phê tự
nhiên. Và nó đắng, nhưng rất thơm và sẽ ngọt hậu!”. Đúng như Huyền nói,
ly cà phê sáng mang cái ngọt hậu và mùi thơm mộc phảng phất rất lâu. Có
chút trầm ngâm khi nói về cái ngọt hậu, rồi Huyền cười: “Nó giống như
một loại triết lý cuộc sống với kết thúc bao giờ cũng đẹp cho người
biết vượt khó, đúng không?”.

Những ngày tháng bươn chải Huyền gặp không biết bao ê chề. Cái ê chề
đến độ có khi mất đứt niềm tin vào con người. “Hai mươi sáu đêm mình
thức trắng. Có những đêm đếm lại gần 30 tin nhắn mạt sát, mạ lị. Có
những sáng vừa mở cửa đã thấy xã hội đen hầm hố chờ đợi...” - Huyền kể.
Và rồi nhấn thêm: “Mình tưởng đã ngã quỵ, đã đầu hàng, nhưng khát khao
được chứng tỏ mình đúng, hành trình mình đi là sẽ đến đã giúp mình đứng
lên, đi tiếp”.

Điều gì còn lại sau những năm tháng thăng trầm đó, khi bây giờ có thể
nói Huyền đã đặt được chân vào sự thành công? “Mình sống ngay thẳng từ
bé. Cái ngay thẳng lắm khi thiếu linh hoạt, uyển chuyển và phải trả
nhiều thứ giá không đáng có. Những va đập khủng khiếp của cuộc sống
tưởng đã khiến mình có thể méo mó đi, đã khác đi, nhưng may thay rốt
lại căn bản mình vẫn là mình!”.

Khi diễn đàn “Sống trung thực được gì?” mở ra trên báo Tuổi Trẻ, Huyền
đã gọi điện thoại cho chúng tôi chỉ để bày tỏ một thái độ “Tuyệt lắm,
hãy giúp những người trẻ chúng tôi sống trung thực!”.

Một album và một khát khao khát...

Để có được một cuộc trò chuyện tương đối với Huyền, chúng tôi đã phải
cậy đến tin nhắn, gọi điện thoại, chat, email xen kẽ với những lần gặp
gỡ ngắn. Tất nhiên là công việc. Nhưng Huyền cũng đang bận rộn chuẩn bị
cho CD đầu tiên của mình. Không phải để kinh doanh, không phải để đánh
bóng tên tuổi. Chỉ là thỏa một ước mơ khi đã có điều kiện (dù bây giờ
việc ra một CD không phải là quá xa xỉ và khó khăn). Chín bài hát của
Phú Quang da diết tình yêu Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của Huyền.

Nhưng đấy không phải là lý do để có cuộc gặp gỡ qua mạng này. Blog của
Huyền kín đáo và cô chưa muốn nói về điều đó. Nhưng nó đẹp quá, sao có
thể bỏ qua...

“Mình vẫn ấp ủ sẽ làm một hội quán, một câu lạc bộ hay đại loại cái gì
đó như thế. Đó sẽ là nơi những người trẻ có khát vọng làm giàu, có ý
chí vượt khó, có ý tưởng nhưng đang thiếu những mối quan hệ, thiếu
những dữ liệu cuộc sống, thiếu những cơ sở ban đầu... Đời sống có thức
thừa ở nơi này hoặc người này và thức thiếu nơi khác người khác, làm
được một chiếc cầu nối chuyên chở, tác hợp, đứng bên cạnh an ủi, động
viên bạn bè hay em út là điều mình sẽ làm và phải làm được trong nay
mai!”.

“Nhưng giá trị cuối cùng của cuộc sống, với Huyền, vẫn là sống trung
thực - Huyền nói trước khi chia tay - càng va đập, càng trải nghiệm,
con người càng phải nhân ái hơn!”.

(ST)