Về với Hùng Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) năm nay, ai cũng ngỡ ngàng, mừng vui trước sự đổi thay vượt bậc, khá toàn diện của một xã vùng tả ngạn sông Lam.

Dưới chân núi là hơn 40 con đập ngăn nước mát cho cây chè và các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi… được nuôi thả quanh năm. Xã Hùng Sơn với 810 hộ 3.827 nhân khẩu (trong đó có 32% là giáo dân). Trong 5 năm qua, xã đã làm đường, khai phá đất hoang, đồi núi trồng trên 350 ha chè công nghiệp, hơn 1.000 ha keo lá tràm.



Cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Từ UBND xã đến 9 xóm dân cư đường đi đã được đổ bê tông 100%, các trục chính rộng tới 12 mét, đường nhỏ nhất rộng 4 mét. Cùng với phát triển đời sống, ANTT ở đây được đảm bảo. Toàn xã hiện nay không có người nghiện ma tuý, nạn trộm cắp tài sản trong dân nay đã giảm hẳn.


Tất cả những thành quả trên là kết tinh từ sự năng động, sáng tạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Hùng Sơn sau hơn 20 năm đổi mới. Đặc biệt là hiệu quả của phong trào tự quản về ANTT. Toàn xã có một ban chỉ đạo tự quản, do đ/c Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, 11 ban tự quản, 65 tổ tự quản.




Tất cả các thành viên tự quản đều được dân tín nhiệm bầu ra, đủ năng lực, phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ. 11 thành viên trong ban chỉ đạo tự quản của xã được cắm chỉ đạo trực tiếp ở 11 ban tự quản của 9 xóm dân cư và 2 trường học. Lịch giao ban giữa BCĐ và ban tự quản, an ninh trường học được ấn định cụ thể từng tháng, từng quí.



Phong trào tự quản thực sự là chỗ dựa, là niềm tin hợp với lòng dân bằng những việc làm cụ thể, như: Tổ chức tốt công tác tuần tra nhân dân, phối hợp tổ chức hoà giải, giải quyết tốt các vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở.
Ban chỉ đạo tự quản xã đã thống nhất đề ra bản cam kết với nội dung "10 tự quản về ANTT và ATXH" để nhân dân thực hiện.




Đó là: "Quản bản thân, quản người thân, quản tài sản cá nhân, quản tình làng nghĩa xóm, quản người vi phạm pháp luật, quản diễn biến ANTT, quản nếp sống văn minh, quản tuyên truyền pháp luật, quản thực thi dân chủ, và quản thực hiện công trình phúc lợi".


Các xóm dân cư đang phấn đấu xây dựng làng văn hoá, nay đã có 4/9 xóm được công nhận "Làng văn hoá cấp huyện". Cả 9 xóm đều đã xây dựng hương ước, qui định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình trong việc thực hiện nếp sống văn hoá.




Đặc biệt là thực hiện nếp sống văn hoá trong cưới hỏi, ma chay, cấm ăn uống nhiều ngày tốn kém về kinh tế gia đình, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con trong xóm làng. Phong trào xây dựng quỹ phường để giúp nhau phát triển kinh tế, nay toàn xã đã có nguồn vốn 215 triệu đồng, xây dựng quỹ phương tiện đạt trên 44 triệu đồng, quỹ khuyến học, công tác xây dựng và bảo vệ môi trường: lấy một ngày tổng vệ sinh toàn xã, các tổ tự quản mỗi quí làm một lần.


Để duy trì hoạt động của tổ chức tự quản, mỗi hộ dân đóng góp 10.000 đồng/năm, năm 2009 đã thu trên 7 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 200.000 đồng/năm cho một tổ trưởng, 100.000 đồng cho một tổ phó…



Phong trào tự quản về ANTT của xã Hùng Sơn thực sự là điểm sáng, cần nhân rộng cho tất cả các xã của huyện Anh Sơn học tập.