Năm học vừa qua, Trường Đại học Chu Văn An tiễn chân trên 500 sinh viên
đại học khoá 1 ra trường. Đây được coi là sản phẩm đầu tiên của Nhà trường về
đào tạo trình độ Đại học. Hoà nhập cùng 45 triệu lao động trong cả nước, những
tân cử nhân trường ta sẽ có bước đầu khởi nghiệp ra sao? Họ gặp những khó khăn
gì khi đi xin việc? Đánh giá của nhà tuyển dụng và các chuyên gia về họ như thế
nào? Hãy cùng trò chuyện với một số cựu sinh viên Nhà trường để tìm hiểu về vấn
đề này nhé!


[IMG] CỰU SINH VIÊN CHU VĂN AN KHỞI NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO? TRAOBANGTOTNGHIEPCHOSV


Hào hứng với công việc đúng “tủ”.


Sau 4 năm rùi mài kinh sử trên giảng đường, khi ra trường nhiều bạn
sinh viên CVA đã nhanh chóng tìm được việc làm đúng chuyên ngành bằng chính
thực lực của mình.


Tiến
Mạnh (06T1 – Công nghệ thông tin) là 1 ví dụ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, gặp
lúc Viettel có tuyển dụng chuyên viên sang làm việc tại Lào, Mạnh nộp hồ sơ dự
tuyển, sau khi vượt qua bài test chuyên ngành và phỏng vấn, bạn đã được Công ty
Viettel chọn. Hiện tại Mạnh là chuyên viên Viettel Global, phụ trách mảng ứng
dụng công nghệ database của chi nhánh Viettel tại Thủ đô Lào. Với mức lương 11
triệu/ tháng, Mạnh chia sẻ: “ Mình giờ không phải xin tiền ai nữa, tự có thể
nuôi sống bản thân và gửi một chút về phụ giúp gia đình”. Mạnh cho biết thêm,
sau khi kết thúc thử việc mức lương sẽ được tăng lên khoảng gần 20 triệu/tháng.


Không được mức lương “khủng” như Mạnh, Trường (06T- CNTT) lại có con
đường riêng cho sự đam mê của mình. Khởi đầu là một nhân viên quản trị website
cho một công ty du lịch trên Hà Nội, hiện là một chuyên viên SEO web – một nghề
khá mới với mức thu nhập hấp dẫn. Trường tâm sự, khi bắt đầu đi làm, mình cảm
thấy khoảng cách giữa kiến thức được học và thực tế khá xa, nhưng nhờ tự nghiên
cứu, tìm hiểu thêm nên mình nhanh chóng áp dụng tốt kiến thức đã học vào thực
tế công việc. Nếu không có 04 năm học tập tại Trường, chắc rằng mình không có
công việc tốt như ngày hôm nay.


Nhất (06 - Quản trị kinh doanh) vừa ra trường nộp luôn hồ sơ vào công
ty vận tải Phượng Hoàng, hiện đang làm nhân viên quản lý phòng vé bến xe Lương
Yên. Nhất nói: khi đi làm mình mới va chạm thực tế nhiều, biết nhiều hơn, có cơ
hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cái chính là bạn phải biết học hỏi từ
những người đi trước, bọn mình trẻ nên cô gắng nắm bắt công việc 1 cách nhanh
nhất và hòa nhập được với môi trường làm việc đầy áp lực của công việc. Việc
sinh viên tự học tập nghiên cứu là rất quan trọng và cần thiết, nhất là công
nghệ mới, không phải cái gì cũng có thể học hết được ở trên giảng đường. Nó rèn
giũa cho các bạn tính kiên nhẫn, đào sâu suy nghĩ, tìm ra cách, hướng giải
quyết khi bế tắc, đồng thời cũng mang đến cho bạn nhiều cơ hội lựa chọn hơn.


Mạnh Cường (06K1 - Kế toán): Hiện tại mình là chuyên viên kế toán tại
phòng Kế hoạch – Tài chính của một bệnh viện tại Hà Nội. Công việc khá phù hợp
với chuyên ngành mình đã học. Môi trường làm việc khá sôi nổi vì phòng mình đa
số là các thành viên còn trẻ tuổi, năng động. Mình cũng chia sẻ được nhiều kiến
thức và kinh nghiệm với họ trong quá trình tác nghiệp.


Quách Thị Hồng(06K1 - Kế toán):
Vừa ra trường mình đọc được thông tin tuyển dụng của Mobifone. Mình nộp hồ sơ
dự tuyển, được gọi đi phỏng vấn, làm bài thi trực tiếp trên máy. Mình đã vượt
qua rất nhiều đối thủ tốt nghệp các trường đại học danh tiếng như Kinh tế Quốc
dân, học viện Tài chính. Hiện tại mình đã có một công việc như ý và mức lương
phù hợp. Mình muốn chuyển lời cảm ơn tới các thầy, cô giáo đã nhiệt tình hướng
dẫn và bồi dưỡng kiến thức cho mình trên ghế giảng đường. Bây giờ mình không
còn lo ngại rằng không học ở trường công sẽ không xin được việc làm nữa.


Hồng Xoan (06A-Tiếng Anh): Sinh ra ở miền đất địa đầu tổ quốc Hà Giang,
bén duyên với Trường Đại học Chu Văn An trên đất
nhãn Hưng Yên, nhưng cái nghiệp của nghề lại dẫn lối mình tới Thủ đô Hà Nội. Học
chuyên ngành Tiếng Anh, mình đi phỏng vấn xin vào làm biên tập cho chuyên trang
báo Hà Nội mới. Công việc làm báo khá thú vị, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần
nhiều tới những kỹ năng mềm. May mắn là trong thời gian theo học tại trường mình
có cơ hội tham gia hoạt động phong trào, đoàn thể nên rèn luyện được chút ít làm
vốn. Hiện tại mình rất hài lòng với công việc đang làm.


Bích Ngọc (06K1- Kế toán): Mình may mắn được thực tập tại phòng Kế
hoạch – Tài chính của Trường, sau khi tốt nghiệp được Nhà trường nhận vào làm
việc tại chính nơi mình đã thực tập. Mình thấy rất vui và hãnh diện. Cùng với
mình còn có 02 bạn sinh viên khoa Công nghệ thông tin cũng được Nhà trường
tuyển dụng. Mình thấy Nhà trường đã dành cho sinh viên bọn mình những ưu ái rất
đặc biệt.


Nhiều học sinh Trung cấp chuyên nghiệp của ra trường đã xin được việc
làm tốt tại các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là ngành Văn thư lưu trữ.
Gặp lại thầy cô, các bạn chân thành tâm sự: May mắn cho chúng em được học tập
tại Trường, gần gũi, đỡ tốn kém, được các thầy cô hướng dẫn tận tình, ra trường
có tấm bằng chính qui, có kiến thức vững vàng nên không khó tìm việc. Chúng em
sẽ cố gắng để xin cơ quan cho đi học các khóa đào tạo lien thông tại trường
giúp năng cao trình độ chuyên môn.


Khởi nghiệp từ công việc trái ngành,
trái nghề



Bên cạnh những bạn may mắn có được công việc như mong muốn,
không ít tân cử nhân, kỹ sư cũng không ít gian nan trên đường tìm việc hoặc tìm
được việc làm nhưng không theo đúng chuyên ngành đã học.



Thu Huyền (cử nhân CNTT) đang là nhân viên trực tổng đài điện thoại của
Viettel (18008198) chia sẻ: tớ cũng nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên IT ở
nhiều nơi song chưa nhận được sự gật đầu của nơi nào. Được cái từ thời sinh
viên, mình hay tham gia văn nghệ của trường, lớp nên sở hữu chất giọng dễ nghe,
thấy bên này tuyển, thu thử giọng thế là đỗ. Bạn nào có thắc mắc gì về dịch vụ
của Viettel gọi tổng đài có khi lại gặp mình cũng nên ấy chứ…- Huyền hồ hởi.


Xuân Hoàng (cử nhân Kinh tế): Tốt nghiệp ra trường mình cũng mong muốn
kiếm việc làm phù hợp ở Hà Nội nhưng do điều kiện gia đình neo người, gia đình đã
liên hệ xin việc cho mình ở địa phương (Phú Thọ). Hiện tại mình là cán bộ phòng
tổ chức trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện. Công việc chưa thật sự phù hợp với
chuyên ngành nhưng không phải là không có tương lai.


Vấn đề sinh viên Việt Nam
ra trường phải làm trái ngành – nghề khá phổ biến, sinh viên trường ta cũng
không ngoại lệ. Khi ra trường ai chẳng muốn làm đúng công việc mình đã chọn lựa
theo học nhưng không phải ai cũng được như ý vì nhiều lý do khác nhau: do trình
độ, do hoàn cảnh…hoặc cũng có thể do sự sắp xếp của gia đình … song nếu biết tự
rèn luyện mình, các bạn sẽ không bị tụt hậu.


Mài giũa thêm …”kinh sử”


Nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường cảm thấy vẫn còn “non” kiến thức
hoặc chưa đủ điều kiện để xin việc nên quyết định “trau dồi” kinh sử thêm chút
nữa bằng cách tham gia các khóa học ngắn hạn để bổ sung.


Hoa (07-Cao đẳng Kế toán) cho biết: sau khi tốt nghiệp, mình đã đi làm
kế toán cho một công ty ở quê song mức lương họ trả thấp quá nên mình xin nghỉ
và quyết định đi học liên thông để lấy tấm bằng đại học. Hiện tại Hoa đang học
liên thông tại 1 trường Đại học ở gần nhà.


Một số bạn khác thì lại chọn 1 số trung tâm đào tạo chuyên ngành để học
bổ sung thêm kiến thức và lấy chứng chỉ để đi làm. Hùng (cử nhân CNTT) đang
theo học tại 1 trung tâm đào tạo về chuyên ngành mạng máy tính: Sở dĩ mình
quyết định đi học thêm bởi khi đi xin việc họ yêu cầu về chứng chỉ này nhiều
quá, mà mình thì thiếu cái này nên đành phải bỏ thêm chút thời gian để học vậy-
Hùng tâm sự.


Đánh giá của Nhà tuyển dụng và chuyên
gia nhân sự



Trong thời gian thực tập cuối khóa, nhiều sinh viên đã được Nhà trường
liên hệ giới thiệu đến thực tập tác các doanh nghiệp lớn. Sinh viên công nghệ
thông tin được giới thiệu thực tập tại Canon, sau khi kết thúc thực tập, một số
bạn đã lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng, vui mừng cầm “tấm vé danh dự” vào làm
việc tại Canon. Trao đổi với cán bộ quản lý của đơn vị này, đối tác cho biết:
Nhiều sinh viên của Trường trong thời gian thực tập đã thể hiện tốt kiến thức
chuyên môn, hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc và chịu được áp lực công
việc cao. Chúng tôi mong rằng thị trường lao động sẽ có nhiều hơn nữa những lao
động trí thức có “chất” như thế.


Liên hệ với
một số doanh nghiệp và tổ chức khác có tuyển dụng nhân sự là cựu sinh viên, học
sinh của Trường, Nhà trường tiếp thu được khá nhiều ý kiến bổ ích. Anh Nguyễn
Hữu Mạnh – một chuyên gia tuyển nhân sự trong lĩnh vực kế toán tài chính cho
biết: Tôi tham gia tuyển dụng nhân sự cho nhiều doanh nghiệp ở Hưng Yên, thấy
rằng sinh viên Chu
Văn An khá năng động, có kiến thức chuyên
ngành khá tốt, thậm chí nhiều bạn còn vượt lên nhiều ứng viên tốt nghiệp ở các
trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. Tôi nghĩ rằng kiến thức đào tạo ở trường
nào cũng giống nhau cả (vì phải theo qui định chung của Bộ) nhưng việc hướng
cho sinh viên cách tiếp thu và áp dụng kiến thức vào thực tế mới là vấn đề đáng
để chúng ta quan tâm.


Một số nhà tuyển dụng cho biết: Cái tên Đại học Chu
Văn An còn khá xa lạ với họ cho đến khi có sinh viên tốt nghiệp tại trường đến
nộp hồ sơ xin việc. Ban đầu họ còn có chút e ngại về năng lực của các ứng viên
này, nhưng sau khi phỏng vấn, tuyển chọn, nhiều ứng viên đã được họ tuyển dụng
và bồi dưỡng để phát triển.


Theo thống kê của Nhà trường thì tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có
việc làm là gần 85%. Phần đông ý kiến các cựu sinh viên cho rằng: Các nhà tuyển
dụng hiện nay không quan tâm nhiều đến việc bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nào
cấp, căn bản là năng lực và kinh nghiệm làm việc. Vì vậy các bạn sinh viên thân
mến, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn hãy năng động lên, chăm
chỉ trau dồi kiến thức chuyên môn, tham gia hoạt động phong trào, đoàn thể hoặc
xin đi làm các công việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực tế cho bản
thân thân, khi ra trường còn có một bản CV (Curriculum
Vitae
) – sơ yếu lý lịch bản thân đẹp thì không lo không tìm được việc
làm. Có kiến thức chuyên ngành tốt kết hợp với một số kỹ năng mềm cần thiết sẽ
giúp các bạn tìm được một công việc như mong muốn.